Tác giả: - 27/06/2021
A A
Lợi ích của Truy xuất nguồn gốc trong hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp

Ngày 14/10/2015 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử với mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Tập trung vào giải pháp đẩy mạnh đổi mới, tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước, nhất là trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với những lĩnh vực bức thiết, liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

Đến nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đã có được những kết quả nhất định, bước đầu tạo được nền tảng về nhận thức và hạ tầng công nghệ thông tin cho việc phát triển ứng dụng trong các giai đoạn tiếp theo.

- Theo xu thế phát triển của thị trường, bên cạnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, người tiêu dùng cần có thông tin nhiều hơn, minh bạch hơn về quá trình sản xuất, chế biến, đóng gói, vận chuyển đến bày bán sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có nguy cơ cao về ô nhiễm thực phẩm như rau, thịt, thủy sản,... nhằm nhận biết sản phẩm an toàn một cách đầy đủ, nghiêm túc, truy xuất được nguồn gốc tại tất cả các khâu trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm. Thực tế, nhãn mác gắn trên các sản phẩm chỉ mang tính chất thông báo đến người tiêu dùng nơi sản xuất và đóng gói. Vì vậy, khi áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, mọi dữ liệu liên quan đến quá trình tạo ra thành phẩm đều được công khai minh bạch. Đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ dễ dàng tra cứu được nguồn gốc nguyên liệu, quy trình sản xuất từ sản xuất ban đầu, sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh,.... Việc này sẽ trở nên dễ dàng khi sử dụng hệ thống truy xuất điện tử. Tất cả thông tin sản phẩm được lưu trữ vào máy chủ, dễ dàng để truy xuất. Cơ sở sản xuất, kinh doanh đưa thông tin lên hệ thống từ những khâu đầu của chuỗi sản xuất cho đến khâu đóng gói sản phẩm, các thông tin này được tích hợp trong mã phản hồi nhanh (QR code) in trên bao bì sản phẩm; người tiêu dùng có thể dùng ứng dụng quét mã trên điện thoại thông minh trong vòng 2 giây là biết mọi thông tin nguồn gốc của sản phẩm họ chuẩn bị mua. Bởi vậy, việc truy xuất nguồn gốc điện tử là giải pháp hỗ trợ người tiêu dùng, doanh nghiệp, nhà quản lý tiếp cận đầy đủ thông tin về thực phẩm được sử dụng hàng ngày, từ nơi sản xuất ban đầu đến thành phẩm cuối cùng và phân phối, đồng thời cũng là giải pháp phát huy lợi ích trong đảm bảo an toàn thực phẩm... Lợi ích mang lại khi áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng điện tử:

+ Đối với doanh nghiệp: Thể hiện sự minh bạch trong khâu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sẵn sàng cung cấp các thông tin trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ. Tăng hiệu quả truyền thông và kinh doanh bảo vệ được sản phẩm, kiểm soát được thị trường, kiểm soát chất lượng sản phẩm, chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu, thống kê về lịch sử xác thực của người tiêu dùng, hỗ trợ xử lý khi có vấn đề phát sinh (kịp thời xác định, thu hồi, xử lý thực phẩm không an toàn, khiếu nại)….

+ Người tiêu dùng: Kiểm tra được thông tin về nguồn gốc sản phẩm, chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nhanh gọn và hiệu quả, giúp người tiêu dùng nhận biết rõ về thực phẩm sử dụng, chủ động truy xuất bằng chính mã số trên mỗi sản phẩm, thao tác đơn giản, trả lời tức thì tại thời điểm xác thực, miễn phí xác thực chống giả.

+ Nhà quản lý: Kiểm soát được sản phẩm, theo dõi được thị trường, kiểm soát chất lượng, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh, hỗ trợ xử lý khi có vấn đề phát sinh (truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn; giải quyết khiếu nại,…)

Năm 2019, Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt đề án “Trển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” tại Quyết định số 100/QĐ-TTG NGÀY 19/01/2019, Trong đó nhấn mạnh các mục tiêu:

“- Hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc,

- Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

- Nâng cao nhận thức xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc thông qua việc đẩy mạnh các hoạt hoạt tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan.

- Đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc.”

CÁC TIN KHÁC